Theo vneconomy.vn, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Tờ trình số 6971 gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng thẩm định, phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045.
Nội dung tại Tờ trình nêu rõ, việc lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quy hoạch hướng đến việc xây dựng đô thị mới Cam Lâm phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia nói chung và chiến lược phát triển biển Việt Nam nói riêng. Đô thị mới này sẽ phát triển thành phố thông minh – sinh thái – bền vững, kết hợp với hệ sinh thái đầm Thủy Triều, vùng vịnh Nha Trang, Khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh. Đồng thời, phát triển đô thị mới kết hợp trung tâm tài chính – trí tuệ và đổi mới sáng tạo toàn cầu; chuyển giao, áp dụng các xu hướng phát triển tương lai.
Tham khảo thêm
- Biến động thị trường mua bán nhà đất
- Biến động thị trường cho thuê nhà đất
- Biến động thị trường sang nhượng nhà đất
Quy hoạch xây dựng đô thị mới Cam Lâm trở thành vùng động lực phát triển; định hướng phát triển khu vực bắc bán đảo Cam Ranh là khu du lịch quốc gia; phát triển đô thị mới Cam Lâm bền vững, kết nối đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics cùng với Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Xây dựng hướng tới thành phố thông minh – sinh thái tầm quốc tế, trung tâm thương mại tài chính khu vực; là trung tâm tài chính – trí tuệ và đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Đô thị Cam Lâm sẽ là đô thị sân bay, cửa ngõ thế giới và điểm đến thiên đường du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và mua sắm hàng đầu thế giới. Tại đây tạo dựng hệ sinh thái đa dạng các loại hình sản phẩm, dịch vụ, cùng với các tiện ích đô thị, giá trị cảnh quan ven biển, các hoạt động lễ hội sôi động, chiến lược marketing toàn cầu nhằm thu hút cư dân đa quốc gia đến sinh sống, làm việc, học tập và du khách quốc tế tới du lịch tại đây.
Trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa
Tháng 7/2022, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị Khánh Hòa làm rõ tính chất đô thị cần nêu cụ thể, xác định rõ tính chất nào mang tính quốc tế, quốc gia, mang tính vùng và yếu tố quan trọng. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đề nghị làm rõ các dự báo về quy mô dân số; dự báo tiêu chí đất xây dựng trong nhiệm vụ quy hoạch…
Do đó, trong tờ trình gửi Chính phủ, UBND tỉnh Khánh Hòa xác định quy hoạch đô thị mới Cam Lâm sẽ phát triển đô thị với hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại đạt tiêu chuẩn đô thị thông minh, bền vững, góp phần quan trọng đưa Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc trung ương vào năm 2030.

Theo đó, Cam Lâm được xác định là trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước. Đây cũng là đô thị có vai trò quan trọng trong hỗ trợ, củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững chủ quyền biển, đảo quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Cam Lâm sẽ trở thành thành phố thông minh sáng tạo hàng đầu thế giới, là cửa ngõ kết nối ra thế giới. Đưa vùng đô thị sân bay Cam Lâm thành khu vực đạt tầm cỡ thế giới, đóng vai trò “Cửa ngõ quốc tế đến và đi Việt Nam với thế giới” trên cơ sở hoạt động của sân bay quốc tế – khu du lịch đẳng cấp quốc tế.
Khu vực xung quanh sân quốc tế Cam Ranh được quy hoạch thành khu vực phát triển bền vững, tối đa hóa những lợi ích về mặt xã hội, kinh tế và môi trường trên cơ sở khai thác hoạt động vận chuyển của sân bay và các không gian chức năng đô thị mới Cam Lâm.
Dự kiến quy mô dân số của Đô thị mới Cam Lâm đến năm 2030 là khoảng 320.00 người; đến năm 2045 là khoảng 770.000 người. Quy mô đất xây dựng đến năm 2030 dự kiến khoảng 13.000 – 15.000 ha; đến năm 2045 khoảng 19.000 – 20.000 ha.
Theo quy hoạch, khu vực lập quy hoạch đô thị mới Cam Lâm có tổng diện tích 54.660 ha, chia làm 7 phân khu. Khu 1 là khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (3.545 ha). Khu 2 là khu đô thị sinh thái, dịch vụ công nghiệp (6.504 ha); Khu 3 là đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế (6.550 ha); Khu 4 là Đô thị trung tâm (5.680 ha); Khu 5 khu vui chơi giải trí quốc tế (8.490 ha); Khu 6 là khu dân cư, du lịch sinh thái (12.020); Khu 7 là phân khu ở sinh thái, nghỉ dưỡng Hòn Bà (11.871 ha).